Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Tìm hiểu các loại trí nhớ của trẻ mẫu giáo lớn

NỘI DUNG CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN 1.1 Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài của khóa luận Trí nhớ của trẻ mẫu giáo lớn là vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Trong phạm vi đề tài của mình, chúng tôi xin điểm qua một số công trình nghiên cứu. Theo L.X.Vưgốtxki vấn đề phát triển trí nhớ trẻ em là trọng tâm của hàng loạt kiến thức lí thuyết và thực tiễn về sự phát triển trí tuệ, ông cho rằng trí nhớ không chủ định là một trong những quá trình tâm lí quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với trẻ trước tuổi học và học sinh nhỏ mà nó còn là một tham số của trí tuệ [10]. Trong các công trình nghiên cứu của mình, Lê Khanh đã khẳng định: Trẻ càng tích cực hoạt động thực tiễn, đặc biệt tham gia vào hoạt động vui chơi bao nhiêu thì càng nhớ tốt những gì diễn ra trong đó bấy nhiêu. Thực nghiệm do nhóm sinh viên Khoa Giáo dục Mầm non trường ĐHSP Hà Nội tiến hành: Có hai nhóm trẻ cùng được nghe kể một câu chuyện. Nhóm thứ nhất chỉ nghe qua lời cô giáo kể còn nhóm thứ hai được nghe kể qua tranh và có cả hình của các con rối. Kết quả sau ba ngày, trẻ nhóm thứ hai nhớ gần như toàn bộ câu chuyện kể cả những chi tiết (trang phục, đồ dùng…), còn trẻ nhóm thứ nhất thì nhớ đại khái và quên rất nhiều chi tiết. Sau một tuần thì độ chênh lệch còn rõ hơn [10, tr128). Ở lứa tuổi mẫu giáo lớn, trí nhớ không chủ định vẫn chiếm ưu thế. Theo Dương Thị Diệu Hoa, Nguyễn Ánh Tuyết: “Vào cuối tuổi Mẫu giáo, trí nhớ của trẻ có sự biến đổi về chất: Trí nhớ chủ định xuất hiện và phát triển mạnh” [3, tr122]. Trí nhớ có chủ định là loại trí nhớ có mục đích và dựa vào công cụ tâm lí như ngôn ngữ, sơ đồ, biểu đồ, chữ viết và mọi quy ước có thể có. Ở loại trí nhớ này tư duy đóng vai trò khá quan trọng. Trẻ 5-7 tuổi đã biết sử dụng các phương tiện hay điểm tựa để nhớ. Nhà tâm lí học A.N.Lêônchiép đã làm thực nghiệm với nghiệm thể là trẻ 5-7 tuổi. Tài liệu cần nhớ là từ, các phương tiện cần nhớ là các bức tranh. Trẻ 5-7 tuổi đã biết sử dụng các bức tranh làm phương tiện hay điểm tựa để nhớ từ. Với sự hướng dẫn của người lớn trẻ có thể đi từ đối tượng cần nhớ (từ) đến điểm tựa (bức tranh), đó là thao tác thẳng (hay là sự mã hóa logic trong quá trình ghi nhớ) rồi lại biết đi từ điểm tựa đến đối tượng cần nhớ gọi là thao tác ngược (hay là sự giải mã logic trong quá trình nhớ lai) [10, tr229). Như vậy, trên bình diện lí luận và thực tiễn, các vấn đề có liên quan trực tiếp đến đề tài đã được chúng tôi điểm qua trên đây, giúp chúng tôi có tư liệu để nghiên cứu đề tài của mình. 1.2. Vấn đề lý luận về trí nhớ 1.2.1. Khái niệm về trí nhớ Kết quả của quá trình nhận thức, những xúc cảm, tình cảm của con người về một đối tượng nào đó, những hành động và kết quả của nó đều được ghi lại trong bộ não với mức độ đậm nhạt khác nhau, khi cần thiết nó lại xuất hiện. Sự ghi lại trong đầu và sự xuất hiện lại những dấu ấn ấy được gọi là trí nhớ. Trí nhớ “là một quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm đã có của cá nhân dưới hình thức biểu tượng bao gồm sự ghi nhớ, giữ gìn và tái tạo lại sau đó ở trong óc cái mà con người đã có cảm giác, tri giác, xúc cảm, hành động hay suy nghĩ trước đây”. Trí nhớ phản ánh kinh nghiệm của cá nhân. Những kinh nghiệm: Hình ảnh, khái niệm, rung động, hành động, các thuộc tính của cá nhân mà cá nhân phản ánh, tiếp thu được trí nhớ lưu giữ. Trí nhớ không làm thay đổi những gì mà các nhân tiếp thu được. Nét đặc trưng của trí nhớ là trung thành với tất cả những gì cá nhân đã tiếp thu được nghĩa là nó hoạt động một cách máy móc và thật thà. Trí nhớ là một hoạt động bao gồm nhiều quá trình: Quá trình ghi nhớ, quá trình giữ gìn, quá trình tái hiện và quá trình quên. Mỗi quá trình đó có một chức năng riêng nhưng chúng không đối lập nhau mà thâm nhập vào nhau và chuyển hóa cho nhau. Trí nhớ không chỉ nằm trong giới hạn của hoạt động nhận thức mà nó còn là một thành phần tạo nên nhân cách mỗi người. 1.2.2. Các quá trình của trí nhớ Trí nhớ là một quá trình phức tạp bao gồm nhiều quá trình thành phần: quá trình ghi nhớ (tạo vết), quá trinh giữ gìn (củng cố vết ), quá trình tái hiện (từ những dấu vết làm sống lại những hình ảnh) và quá trình quên (không tái hiện được). Mỗi quá trình này có một chức năng xác định, nhưng chúng không đối lập nhau mà phụ thuộc vào nhau (ghi nhớ giữ gìn tốt thì tái hiện mới tốt ), thâm nhập vào nhau chuyển hóa cho nhau (khi tái hiện đồng thời có tác dụng củng cố ). 1.2.2.1. Quá trình ghi nhớ Ghi nhớ là giai đoạn đầu tiên của một hoạt động nhớ. Đó là quá trình tạo nên dấu vết của đối tượng trên vỏ não, đồng thời cũng là quá trình gắn đối tượng đó với kiến thức đã có. Quá trình ghi nhớ rất cần thiết để tiếp thu tri thức, tích lũy kinh nghiệm. Hiệu quả của ghi nhớ phụ thuộc không chỉ vào đối tượng, nội dung, tính chất của tài liệu nhớ mà còn phụ thuộc chủ yếu vào động cơ, mục đích, phương thức hành động của cá nhân. Nhiều công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa sự ghi nhớ và hoạt động đã khẳng định rằng: “sự ghi nhớ một tài liệu nào đó là kết quả của hành động với tài liệu đó, đồng thời nó là điều kiện, phương tiện để thực hiện các hành động tiếp theo”. Có nhiều hình thức ghi nhớ, căn cứ vào mục đích ghi nhớ người ta chia thành ghi nhớ không chủ định và ghi nhớ có chủ định. a. Ghi nhớ không chủ định Đó là sự ghi nhớ không có mục đích đặt ra từ trước, không đòi hỏi phải nỗ lực ý trí hoặc không dùng một thủ thuật nào để ghi nhớ, tài liệu được ghi nhớ một cách tự nhiên. Tuy nhiên không phải mọi sự kiện, hiện tượng đều được ghi nhớ một cách không chủ định như nhau. Mức độ ghi nhớ phụ thuộc vào sự hấp dẫn của nội dung tài liệu. Nếu nội dung tài liệu có khả năng tạo ra sự tập trung, chú ý cao độ hay một xúc cảm mạnh mẽ thì sự ghi nhớ sẽ đạt kết quả cao. b. Ghi nhớ có chủ định Đó là lọai ghi nhớ theo mục đích đặt ra từ trước. Nó đòi hỏi sự nỗ lực ý chí nhất định và cần có những thủ thuật, phương pháp nhất định để đạt được mục đích ghi nhớ. Ghi nhớ có chủ định được thực hiện bằng hai phương pháp: Ghi nhớ máy móc và ghi nhớ ý nghĩa. 1.2.2.2. Quá trình giữ gìn Giữ gìn là quá trình củng cố vững chắc những dấu vết đã hình thành trên vỏ não trong quá trình ghi nhớ. Nếu không có sự giữ gìn thì không thể nhớ bền, nhớ chính xác được. Có hai hình thức giữ gìn là tích cực và tiêu cực. Giữ gìn tiêu cực là giữ gìn dựa trên sự tái hiện lặp đi lặp lại nhiều lần một cách đơn giản tài liệu cần nhớ thông qua các mối liên hệ bề ngoài giữa các phần tài liệu đó. Giữ gìn tích cực là sự giữ gìn được thực hiện bằng cách tái hiện trong óc tài liệu đã ghi nhớ mà không cần phải tri giác tài liệu đó. Trong hoạt động học tập của học sinh quá trình giữ gìn được gọi là ôn tập. 1.2.2.3. Quá trình tái hiện Tái hiện là một quá trình trí nhớ làm sống lại những nội dung đã ghi nhớ và giữ gìn. Quá trình này có thể diễn ra dễ dàng (tự động) hoặc rất khó khăn (phải nỗ lực nhiều). Tài liệu thường được tái hiện dưới 3 hình thức: nhận lại, nhớ lại và hồi tưởng. a. Nhận lại Là hình thức tái hiện khi sự tri giác đối tượng được lặp lại. Sự nhận lại cũng có thể không đầy đủ và do đó không chính xác. Do vậy không lấy nhận lại làm tiêu chuẩn đánh giá trí nhớ con người. Trong nhận lại đôi khi đòi hỏi những quá trình rất phức tạp để đạt tới một kết quả xác định. Ta phải dựa vào một đối tượng đã biết để tưởng tượng lại những cái có liên quan dần dần ta nhớ chính xác cái ta cần. Ở đây sự nhận lại chuyển sang sự nhớ lại. b. Nhớ lại Nhớ lại là hình thức tái hiện không diễn ra sự tri giác đối tượng. Đó là khả năng làm sống lại hình ảnh của sự vật hiện tượng đã được tri giác trước đây khi sự vật hiện tượng không còn ở trước mặt. Nhớ lại thường có hai dạng: nhớ lại không chủ định và nhớ lại có chủ định. + Nhớ lại không chủ định : Là sự nhớ lại một cách tự nhiên (chợt nhớ hoặc sực nhớ) một điều gì đó khi gặp một hoàn cảnh cụ thể, không cần phải xác định nhiệm vụ cần nhớ lại. Tuy nhiên, không phải quá trình này diễn ra một mình, không có nguyên nhân. Nó được kích thích bởi một đói tượng nào đó đang được tri giác hoặc bởi một hình ảnh của tưởng tượng hay của tư duy theo quy luật liên tưởng. + Nhớ lại có chủ định: Là nhớ lại một cách tự giác, chịu sự chi phối của nhiệm vụ nhớ lại, đòi hỏi phải có sự cố gắng nhất định. Đôi khi ta phải có sự cố gắng rất nhiều mới có thể nhớ lại những điều cần thiết. Nhớ lại thường mang tính chất lựa chọn thông qua cá nhân, điều này phụ thuộc vào sự hiểu biết, kinh nghiệm, hứng thú, tình cảm… của mỗi người. Nhớ lại không phải là làm hiện lên hoàn toàn những hình ảnh đã ghi nhớ. Những hình ảnh đó đã bị đổi dạng và hiện lên phù hợp với yêu cầu của hoạt động và đặc điểm của cá nhân qua quá trình lựa chọn. Nhớ lại là một quá trình tư duy tích cực đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Usinski đã cho nhớ lại là một “ lao động mà không phải là lao động đơn giản” c. Hồi tưởng Là hình thức tái hiện đòi hỏi sự cố gắng rất nhiều của trí tuệ. Đây là một hành động trí tuệ phức tạp, kết quả của nó phụ thuộc vào chỗ cá nhân ý thức rõ ràng, chính xác đến mức nào nội dung của nhiệm vụ tái hiện. Trong sự hồi tưởng, những ấn tượng trước đây không được tái hiện một cách máy móc mà thường được sắp xếp một cách xác định, gắn liền với những sự kiện mới. 1.2.2.4. Quá trình quên Không phải mọi dấu vết, ấn tượng trong vỏ não của chúng ta đều được gìn giữ và làm sống lại một cách như nhau, nghĩa là trong trí nhớ của chúng ta có hiện tượng quên. Thực ra sự quên không phải là một quá trình trái ngược với giai đoạn ghi nhớ mà chủ yếu trái ngược với giai đoạn tái hiện. Cho nên, quên chính là

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét