Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Trang phục phụ nữ việt thời phong kiến (thế kỷ x XIX)

1.1.2. Điều kiện kinh tế xã hội Như trên đã nêu, Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên thuận lợi cho việc phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới. Trong nông nghiệp lúa là cây trồng chính. Bên cạnh đó còn có các cây hoa màu và các cây công nghiệp mà đặc biệt là bông, đay, gai… Chính điều này đã thúc đẩy nghề dệt phát triển, tạo ra nhiều loại vải đáp ứng nhu cầu của người dân về trang phục. Liên quan trực tiếp đến việc ăn mặc thời phong kiến là sự phát triển và hoàn thiện không ngừng của nghề dệt truyền thống ở nước ta. Trong lịch sử dựa trên nhiều cứ liệu có thể thấy nghề dệt xuất hiện ở nước ta từ rất sớm. Đến nay không còn ai biết người xưa từng xe sợi như thế nào và dụng cụ của họ ra sao. Tuy vậy các tài liệu về dân tộc học và khảo cổ học đã góp phần dựng lại quá trình ra đời và phát triển của nghề dệt ở nước ta. Trong các di chỉ khảo cổ được tìm thấy ở Đồng Bằng Bắc Bộ từ giai đoạn Phùng Nguyên đến Đông Sơn đã tìm thấy nhiều hiện vật, qua nghiên cứu được khẳng định chắc chắn đó là dọi xe sợi. Chúng cũng được tìm thấy ở phía nam trong di chỉ Bàu Tró thuộc hậu kì đá mới. Căn cứ vào hình dáng và mặt cắt có 6 kiểu: Tròn dẹt, chóp cụt, 2 chóp cụt chung đáy, 2 hình cầu, lọ mực đáy lồi và lọ mực đáy bằng. Hà Văn Phùng trong luận văn nghề xe sợi và dệt vải thời dựng nước đầu tiên đã phân loại theo mặt cắt dọc của hiện vật và chia thành 6 loại: Hình chóp, hình bầu dục, hình thoi, hình lục giác, hình chữ nhật, hình chữ T nằm ngang. Trong số 76 di tích có dọi xe sợi được phát hiện phân bố trong từng giai đoạn như sau: Phùng Nguyên 100 chiếc, Đồng Đậu – Gò Mun 189 chiếc và Đông Sơn 394 chiếc. Như vậy, có thể thấy rằng ngay từ thời Phùng Nguyên, dọi xe chỉ đã được người Việt cổ sử dụng rộng rãi. 6 Cùng với những hiện vật, các nhà khảo cổ còn tìm thấy trên thân đồ gốm được trang trí vết thừng chứng tỏ người xưa đã xe được các cỡ sợi khá săn và đều bằng những thứ nguyên liệu khác nhau. Càng về sau, nhiều vết thừng trên thân gốm vừa có tác dụng trang trí, vừa có tác dụng làm chắc xương gốm. Ngoài ra một số dụng cụ bằng đá được tìm thấy khẳng định là công cụ phục vụ cho việc gia công (đập) vỏ cây. Trên nhiều hiện vật đồ đồng dưới thời Hùng Vương đã phát hiện được không ít những bằng chứng về sự phát triển của nghề dệt, giúp chúng ta dựng lại được trang phục của cư dân Việt cổ. Trên trống đồng, thạp đồng đã tìm thấy hình ảnh người mặc áo, váy, đóng khố. Cứ liệu quan trọng và chắc chắn nhất là dấu vết của vải đã được phát hiện. Tại di chỉ Bãi Dưới (Vĩnh Phú) lần đầu tiên phát hiện dấu vải in trên đất nung có niên đại sớm. Vết tích vải còn được tìm thấy ở Thiệu Dương. Đặc biệt vải còn được tìm thấy ở Việt Khê (Hải Phòng), Châu Can (Hà Tây), làng Vạc (Nghệ An), niên đại khoảng thế kỷ I TCN. Những ghi chép sớm nhất về nghề dệt ở nước ta trước hết phải kể đến thư tịch cổ Trung Quốc. Theo các sách Hán Thư, Tam Quốc Chí, vào những thế kỷ đầu công nguyên tổ tiên ta đã nuôi tằm với năng suất cao, 1 năm 8 lứa kén. Trong số các đồ cống phẩm hằng năm mà Sĩ Nhiếp nộp cho Tôn Quyền ta thấy có vải cát bá nhỏ hàng nghìn tấm (Tam Quốc Chí). Các tác giả sử kí và tiền Hán Thư ghi rằng người Lạc Việt trồng dâu, đay, gai, nuôi tằm, xe sợi, dệt cửi và có loại vải cát bá nhỏ mịn. Trong những thế kỷ đầu công nguyên nghề dệt ở nước ta có bước phát triển quan trọng. Di vật lụa đã được tìm thấy trong một số ngôi mộ cổ. Ngoài các loại lụa và vải người dệt thời đó còn dệt khăn bông, thêu chữ nhỏ và các thứ hoa cỏ rất khéo gọi là “bạch diệp”. Bên cạnh loại vải bông còn có các loại vải bằng đay, gai, tơ chuối. Cụ thể là: 7 1.1.2.1. Vải tơ chuối Vải tơ chuối là loại vải đặc biệt ở nước ta. Từ tơ chuối tổ tiên ta xe sợi dệt thành vải tiêu cát màu vàng nhạt tuy dễ rách nhưng lại đẹp. Sử cũ gọi loại vải đặc sản này là vải Giao Chỉ - một thứ mặt hàng được xuất khẩu từ thế kỷ III Sau công nguyên. Trong An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng Trưng cho biết: “ Loại vải này mịn như lượt là, mặc vào mùa nực thì hợp lắm”. [18; 123 – 124]. Sách Quảng Chí theo sự biên khảo của Lê Quý Đôn chép rằng: “thân chuối xé ra như tơ, đem dệt thành vải gội là vải chuối tiêu (tiêu cát). Loại vải này dễ rách nhưng đẹp, màu vàng nhạt và sản xuất ở Giao Chỉ”[3; 235]. Sách Nam Phương dị vật chí ghi lại cách chế biến nguyên liệu: “đem thân chuối nấu lên sẽ như tơ có thể dùng dệt vải”[3; 237]. Điều đó cho thấy vải tơ chuối lúc bấy giờ khá thịnh đạt và trình độ kĩ thuật cũng khá điêu luyện. 1.1.2.2. Vải bông Nghề dệt vải bông xuất hiện muộn hơn nhưng ít ra cũng từ những thế kỷ đầu công nguyên. Sách vở Trung Hoa gọi loại vải này là vải cát bối. Sách Lương Thư giải thích: Cát bối là tên cây, hoa nở giống như lông ngỗng rút lấy sợi dệt thành vải trắng muốt chẳng khác gì vải đay. Từ thế kỷ X – XI, vải bông trở thành phổ biến ở nước ta đến nỗi người đương thời kêu là “vải bông mặc kín cả thiên hạ” [15; 25 ]. 1.1.2.3. Vải sợi đay – gai Ngoài vải tơ chuối, sử cũ còn cho biết, ngay từ đầu công nguyên còn xuất hiện loại vải bằng sợi đay và gai – các loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu ở nước ta. Theo mô tả vải dệt bằng sợi đay, gai cũng có độ mịn gần như tơ chuối, nhưng bền hơn. Sử cũ cho biết muốn sử dụng đay, gai thành sợi người ta ngâm đay, gai vào nước làm cho “thịt” thối rữa ra chỉ còn lại tơ sau đó rút ra xe tơ thành sợi để dệt vải. Việc sử dụng sợi đay, gai còn phổ biến cho đến tận sau này. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê trong Đại 8 Việt sử kí toàn thư ghi lại chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông định kiểu y phục để tiếp sứ nhà Minh. Theo chỉ dụ, các công, hầu, bá, phò mã và các quan văn võ phải may sẵn áo có cổ bằng đay, gai, cho phép từ mùa đông tháng 10, tiết trời rét, các quan mặc áo là tơ gai để tiện khí hậu. Điều này cho thấy vải đay, gai đã được đánh giá cao trong cả hình thức lẫn giá trị sử dụng. 1.1.2.4. Lụa tơ tằm Nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa có từ rất sớm ở nước ta. Ngay từ ngày đầu công nguyên, người Lạc Việt đã biết trồng dâu nuôi tằm, một năm hai vụ lúa, tám lứa tằm. Nghề chăn tằm dệt lụa còn phát triển ở cả những giai đoạn sau này. Theo thần phả một ngôi đền tại làng Cổ Đô, huyện Ba Vì, (tỉnh Hà Tây cũ), làng này nổi tiếng với nghề dệt lụa và công chúa Thiều Hoa con gái vua Hùng thứ 6 là người đầu tiên đã tìm ra con tằm và phát minh nghề dệt lụa, dân làng ở đây vẫn thờ bà là tổ sư nghề dệt lụa. Theo truyền thuyết kể lại rằng, Thiều Hoa là cô gái rất xinh đẹp, hiền hậu. Cô biết nói chuyện với chim và nghe tiếng nói của bướm. Những ngày cô vào rừng chơi là những ngày hội của chim, của bướm. Trong một cuộc thi bay lượn của loài bướm cô thấy một con bướm nâu xấu xí đậu ở cành cây, lặng lẽ xem các bạn. Hỏi ra mới rõ con bướm đó thuộc loại bướm đẻ ra nhiều trứng, nở thành sâu ăn lá dâu và nhả ra tơ vàng óng rất đẹp. Bướm dẫn công chúa ra bãi ven sông xem hàng ngàn con sâu đang làm kén và còn dạy cho công chúa biết cách thả kén vào nước sôi để rút lấy sợi. Có được những sợi tơ óng mượt, công chúa nghĩ cách đan thành những tấm vải mỏng, may thành áo dâng vua cha. Vua mặc thấy vừa đẹp, mát, bền, khen tài con gái. Nàng xin với vua cha cho một số dân ở kinh đô Phong Châu sang bãi ven sông trồng dâu, chăn tằm ươm tơ dệt lụa. Từ đó làng Cổ Đô mới có nghề dệt lụa nổi tiếng: “Lụa này là lụa Cổ Đô Đích danh lụa cống các cô ưa dùng” (Ca dao Việt Nam) 9 Ngoài ra ta còn bắt gặp nhiều truyền thuyết, đền thờ các vị tổ sư nghề dệt vải như bà Lã Thị Nga, tổ sư nghề dệt lụa là thành hoàng làng Vạn Phúc từ thời nhà Đường (618 – 907), tổ sư nghề dệt gấm là Trần Quý người làng La Khê, sau này vẫn giữ độc quyền về nghề dệt gấm độc đáo này; tổ sư nghề dệt lượt là trạng Bùng thời nhà Lê ở làng Bùng (Hà Tây) là Phùng Khắc Khoan. Tuy ông không phải là người đầu tiên truyền nghề nhưng ông đã có công dạy dân làng Bùng biết và áp dụng kĩ thuật dệt lượt của phương Bắc. Phạm Thị Ngọc Đô được gọi là bà chúa Thiên Niên (tổ nghề lĩnh), bà đã truyền dạy nghề cho nhân dân vùng Bưởi để nơi đây xuất hiện những sản vật nổi tiếng như the La, lĩnh Bưởi, sồi Phùng… Và không ai có thể quên sự tích Ỷ Lan phu nhân, cô gái quê vùng Dâu Keo (Thuận Thành, Hà Bắc), nơi xưa được mệnh danh là “bộ lạc Dâu” của Văn Lang, vốn là cô gái hái dâu chăn tằm và trở thành vợ của vua Lý Thánh Tông, đã có công trong việc mở mang phát triển nghề trồng dâu, mở xưởng nhà nước ở kinh đô chuyên dệt lụa. Có thể thấy rằng, từ rất sớm ông cha ta đã tạo ra nhiều loại tằm khác nhau phù hợp với thời tiết nóng, lạnh, khô, ẩm trong năm. Đó là Bát bối tàm, Nguyên trân tàm (ươm tháng 3), Thái tàm (ươm tháng 4), Hàn trân tàm (ươm tháng 7), Tứ xuất tàm (ươm tháng 9), Hàn tàm (ươm tháng 10). Những người làm nghề này vất vả quanh năm, hơn cả nghề làm ruộng. Tục ngữ có câu “làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa” hay “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Sản phẩm dệt từ sợi tơ tằm rất phong phú và đa dạng như lụa, lĩnh, lượt, đoạn, nái, thao… Mỗi loại hàng trên gồm hàng chục mã hàng khác nhau. Sách Tây Việt ngoại kí cho biết: Ở An Nam vải lụa thì có sa cát liễn, sa lĩnh văn tảo tâm, hợp sa, quang quyến (láng), bông, ý lăng, la, giày bằng tơ… Các thứ này cũng khá tốt. Nói về sự phong phú đa dạng có thể lấy ví dụ như vân lại bao gồm có vân tứ quý, vân hồng điệp, vân trúc điều, vân phương thọ, vân 10 chữ triện, vân chữ kỷ… Kĩ thuật dệt hàng lụa ở nước ta thời kì này cũng đã đạt đến trình độ tinh xảo, mỗi thời kì lại có những loại hàng đặc sản mới, làm tăng thêm các mặt hàng dệt. Đến thế kỷ XVIII, chúng ta không những dệt được những loại lụa đẹp, khổ rộng (3 thước ta, tương đương khoảng 1 mét), không thua kém các khung dệt thủ công ngày nay. Bên cạnh các loại vải kể trên, trong các thư tịch cổ còn ghi lại cho thấy ông cha ta từ rất lâu đã bieets sáng tạo các loại vải bằng tre, trúc. Theo Nam phương thảo mộc trạng cho biết ở quận Cửu Chân có thứ tre tên gọi là Đàm trúc lá thưa mà lớn, mỗi đốt dài tới 5 – 6 thước. Người ta lấy cây con của loại tre này đập dập rồi ngâm lấy sợi dệt thành vải gọi là trúc sơ bố. 1.1.2.5. Kỹ thuật nhuộm vải Cùng với sự phát triển của nghề dệt vải, làm sợi, kĩ thuật nhuộm cũng đạt được những bước tiến bộ, đặc biệt là việc sử dụng thực vật như lá, vỏ, rễ, quả cây rừng rất độc đáo. Màu sắc vải được mô tả một cách chi tiết, cụ thể “màu trắng, trắng như tuyết, không có điểm nhẹ đen, màu đỏ, đỏ như tiết dê để lâu không phai bạc, màu đen thì giống như mực, màu huyền thì trong sắc đen có pha sắc tía, màu thanh thiên thì trong sắc xanh có pha sắc lam, trong một màu mà khác hẳn nhau. Màu đỏ rất tươi mà màu tía không át được. Màu vàng là vàng chính, màu tạp thì có màu huyền, thanh thiên, hoa đào, cánh trả, quan lục, không màu nào giống màu nào”[11; 165]. Điều này chúng tỏ kỹ thuật nhuộm màu ở nước ta thời đó đạt tới trình độ rất tinh tế. Trong nhân dân còn lưu truyền câu ca dao về kĩ thuật nhuộm vải như sau: “Nhuộm thâm chẳng hết bao nhiêu Chỉ một nắm đất với niêu lá sòi”. (Ca dao Việt Nam) 11

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét